Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Phải chăng trẻ em ít bị lây nhiễm COVID-19 hơn?

Tại Pháp, chính phủ đang tính cho mở cửa lại trường học từ ngày 11-5. Đài France Info dẫn các cứ liệu khoa học về vấn đề liên quan khả năng lây nhiễm virus corona với trẻ em.

Phải chăng trẻ em ít bị lây nhiễm COVID-19 hơn? - Ảnh 1.
Nhân viên khử khuẩn một trường tiểu học tại Cannes, Pháp, ngày 10-4-2020 - Ảnh: AFP
* Câu hỏi đầu tiên là tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em so với người lớn?
Theo thống kê thì số trẻ em bị nhiễm COVID-19 trên thế giới rất ít. Tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu, chỉ có 1-2% người dưới 20 tuổi nhiễm bệnh. 
Tại Pháp, theo số liệu từ Cơ quan Y tế công cộng công bố ngày 7-4, trong số 29.721 bệnh nhân nhập viện có 110 ca dưới 15 tuổi, trong đó 32 ca phải hồi sức (trong số 7.059 ca nhiễm ở độ tuổi trẻ em). Rất hiếm gặp ca đặc biệt nặng hoặc tử vong. 
Trả lời Hãng tin AFP, chuyên gia dịch tễ học Justin Lessler thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ kết luận rằng ở trẻ em "dường như ít có ca nặng nghiêm trọng dẫn đến tử vong".
Tham khảo các loại tã cho bé tại đây
Tuy thế, nhận định trên có lẽ chưa thuyết phục lắm về mặt khoa học do chưa có công trình nghiên cứu và số liệu đầy đủ. Nhiều chuyên gia nhận định rằng nếu so với những chủng virus khác cùng họ corona như SARS thì chủng mới này có xu hướng gây ra những dạng không triệu chứng hoặc rất ít triệu chứng trên trẻ em và thanh thiếu niên. 
Giáo sư Sharon Nachman, tại Trường Y khoa nhi Renaissance thuộc Đại học Stony Brook gần TP New York (Mỹ), khẳng định rằng ngay khi đã bị nhiễm bệnh thì "trẻ em vẫn khỏe mạnh và không được đưa đến bệnh viện nên không được xét nghiệm tầm soát".
Số liệu thống kê đưa ra từ các bệnh viện có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, giống như trong nhiều đợt dịch khác. Một nghiên cứu y khoa được công bố dưới dạng sơ bộ trên trang mạng MedRxiv vào đầu tháng 3 nhận định rằng giới trẻ nói chung "vẫn có khả năng bị lây nhiễm cao như những người trưởng thành". 
Công trình này liên hệ bối cảnh tại Thâm Quyến, Trung Quốc trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, ghi nhận riêng những ca nhiễm "ngoài môi trường bệnh viện". Tính trên tổng số 1.286 người có tiếp xúc với người nhiễm, nhóm nghiên cứu quan sát thấy tỉ lệ bị lây nhiễm ở người dưới 19 tuổi cũng ngang bằng những độ tuổi khác trong cộng đồng.
Nhưng các bác sĩ Pháp thì không công nhận đánh giá này. Theo thông tin từ Hiệp hội Bệnh lý nhiễm nhi (GPIP), những xét nghiệm PCR (lấy mẫu bệnh phẩm từ dịch tiết mũi - họng) được thực hiện trên số trẻ em đến xét nghiệm nhiễm COVID-19 cho thấy số ca dương tính thấp hơn người lớn "từ 3 đến 5 lần" và bác sĩ Robert Cohen phụ trách nhóm xét nghiệm nói là kết quả này có được từ "hàng trăm mẫu bệnh phẩm" có được nhưng chưa công bố.
Tại Iceland, kết quả từ một chiến dịch xét nghiệm tầm soát được đăng tải trên New England Journal of Medicine ngày 14-4 cũng nhận định rằng trẻ em dưới 10 tuổi ít dương tính với virus SARS-CoV-2 hơn người cao tuổi đến hai lần.
* Vậy tỉ lệ nhiễm bệnh của trẻ em ra sao?
Theo Hiệp hội Nhi khoa Pháp, giả thuyết khởi điểm là trẻ em "ít được chẩn đoán xét nghiệm hơn do ít có triệu chứng khởi phát bệnh", nhưng trẻ em "vẫn có thể là đối tượng lây nhiễm cao dù ít có trường hợp ngã bệnh". 
Một nghiên cứu về các ca nhiễm tính theo độ tuổi tại Israel do Bộ Y tế nước này công bố cho thấy gần 1/3 trẻ em dưới 9 tuổi bị nhiễm COVID-19 nhưng không xuất hiện triệu chứng, tức "đối tượng nhiễm bệnh lành". 
Theo giáo sư Sigal Sadetsky, trưởng ban y tế công cộng tại Bộ Y tế Israel, "dẫn chứng từ số liệu thống kê cho thấy trẻ em vẫn là nguồn lây nhiễm cao nhưng chúng ta lại khó nhận biết được điều này vì thấy chúng bình thường như thể không đang bị nhiễm bệnh".
Do đó, đa số các nước đã xử lý như trong trường hợp dịch cúm với một chủng virus đã quen thuộc và đã được nghiên cứu kỹ, là đóng cửa trường học để cắt chuỗi lây nhiễm. 
Biện pháp này vô cùng hiệu quả. Và trên thực tế, dịch cúm mùa sẽ biến mất khi học sinh nghỉ hè. 
Chuyên gia dịch tễ học Pascal Crépey phân tích trên đài France Info như sau: "Ban đầu chúng ta cho rằng chủng virus corona này hoạt động gần giống như virus cúm khi lây nhiễm trên đối tượng trẻ em, vốn là đối tượng rất dễ lây lan virus gây viêm đường hô hấp này. 
Thế nhưng giờ đây, chúng ra lại có thêm nhận định mới là con virus chủng mới này lại không hoạt động giống như virus cúm 100%".
Thật vậy, một vài nghiên cứu đã phản bác lập luận ban đầu về lây nhiễm COVID-19 trên trẻ em. Những công trình nghiên cứu tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) và Đại học Melbourne (Úc), đã được đăng tải trên tạp chí The Pediatric Infectious Disease Journal số phát hành tháng 3, nhấn mạnh rằng "tầm quan trọng của đối tượng trẻ em trong việc lây truyền virus vẫn có gì đó chưa chắc chắn". 
Từ 3 công trình nghiên cứu tại Trung Quốc về các ca bệnh trẻ em, các chuyên gia quan sát thấy đa số trẻ em bị nhiễm COVID-19 là do đã tiếp xúc nhiều người nhà, trong đó có một thành viên đã xuất hiện triệu chứng bệnh trước đứa trẻ đó. 
Thực tế này cũng được nhiều khoa cấp cứu tại các bệnh viện Pháp xác nhận. Bác sĩ nhiễm nhi Robert Cohen chỉ rõ: "80% là các ca có một người là nguồn lây nhiễm trong gia đình và đã phát bệnh trước những thành viên khác".
* Vậy thì ở Pháp, khi chưa khống chế xong dịch bệnh mà cho học sinh đi học lại từ ngày 11-5 là có nguy hiểm không?
Có thể là từ đây đến đó, các nhà khoa học sẽ cung cấp thêm được nhiều thông tin mới.
Tại Pháp, công trình nghiên cứu mang tên "Coville" của nhóm chuyên gia do bác sĩ Robert Cohen đứng đầu đã được triển khai ngày 14-4 trên một mẫu 600 trẻ em đến khám tại các phòng khám nhi trong vùng Ile-de-France (bao gồm thủ đô Paris). 
Số đối tượng này được chia thành hai nhóm: 300 em có dấu hiệu lâm sàng tương thích với nhiễm COVID-19 và 300 em không có triệu chứng, chỉ đến để tiêm phòng hoặc điều trị các bệnh không lây nhiễm. 
Mục tiêu của nghiên cứu này là ước lượng xem, qua xét nghiệm PCR và huyết thanh, có bao nhiêu đối tượng đang nhiễm bệnh. Kết quả sẽ có trong 1-2 tháng tới.
Tuy nhiên, khảo sát này chỉ đưa ra một bức tranh toàn cảnh trong một thời điểm nhất định của đại dịch nhưng không giải đáp được thấu đáo một số nghi vấn về miễn dịch học. 
Bác sĩ hô hấp nhi Isabelle Sermet-Gaudelus tại Bệnh viện Necker (Paris) khuyên nên thật cẩn trọng: "Ở những bệnh nhân nhi nhiễm bệnh nhưng không triệu chứng này, virus sẽ tồn tại bao lâu trong mũi, nước bọt và trong phân? Cơ thể trẻ em sẽ kích hoạt cơ chế miễn dịch ngay lập tức sau khi bị lây nhiễm hay là sẽ rất lâu sau đó?".
Bác sĩ Isabelle Sermet-Gaudelus đang lên kế hoạch cùng một đồng nghiệp khác để tiến hành một nghiên cứu sâu rộng trong các bệnh viện tại Paris nhằm xét nghiệm 1.000 trẻ em đến khám và điều trị đủ mọi loại bệnh và cả một người thân trong gia đình, tức tổng số xét nghiệm sẽ là 2.000 ca. 
Và sau khi phân tích kháng thể, họ sẽ biết được "ai đã lây nhiễm cho ai". Những ca dương tính sẽ được theo dõi trong vòng 1 năm. Nhưng vấn đề là: họ còn đang đợi cấp kinh phí để triển khai thực hiện.
Tuy vẫn còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ, nhưng quyết định mở lại trường học trước mùa hè này vẫn không gặp phản đối.
Ông Pierre Parneix, người điều hành Trung tâm hỗ trợ dự phòng các bệnh nhiễm trùng kết hợp chăm sóc điều trị của vùng Nouvelle-Aquitaine, tây nam nước Pháp, khẳng định: "Cũng khá suôn sẻ. Đây là nhóm đối tượng ít có nguy cơ nhất và chúng sẽ phải tự miễn dịch để bảo vệ những đối tượng yếu hơn".
Theo Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, chỉ có 10% dân số Pháp có thể sẽ miễn nhiễm. Nhưng giới chuyên môn cho rằng cần phải đạt đến 60% là tỉ lệ cần thiết để có được miễn dịch cộng đồng. 
Vậy tại sao lại phong tỏa cách ly trẻ em trong hai tháng cùng người lớn? Bác sĩ Robert Cohen phân tích: "Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng trẻ em không phải là đối tượng có khả năng lây nhiễm lớn, việc ra vào trường học sẽ là những thời điểm tiếp xúc với cả người lớn. Chính những tiếp xúc này đóng một vai trò quan trọng trong thời điểm đại dịch hơn là chỉ có đối tượng trẻ em không thôi".
Thời gian phong tỏa đã giúp giảm tải bệnh viện một cách hiệu quả và chặn đứng thành công đợt bùng phát đầu tiên. Chuyên gia miễn dịch Simon Fillatreau nhấn mạnh: "Bệnh viện sẽ được trang bị tốt hơn nếu có đợt dịch thứ hai bùng phát vào mùa thu. Việc bắt đầu nới lỏng phong tỏa trên đối tượng trẻ em và kiểm soát tình hình lây lan virus trong thời điểm này thì theo tôi, đó là một lựa chọn hợp lý".
Về phần mình, chuyên gia Pascal Crépey nói thêm: "Tôi hiểu rất rõ những lo ngại về việc mở lại trường học. Chúng ta cập nhật thông tin mỗi ngày và những gì chúng ta nghĩ là mình đã nắm rõ ở thời điểm T thì vẫn có thể thay đổi ở thời điểm T+1. Phải cẩn trọng và tiếp tục nghiên cứu".
Việc tiếp tục đóng cửa trường học cũng có thể khiến phụ huynh giao con cái cho ông bà chăm nhiều hơn, mà ông bà là nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn.
Như bác sĩ Robert Cohen nhận định, việc phục hồi từng bước sinh hoạt học tập trước mùa hè này sẽ giúp triển khai và đánh giá được ở quy mô nhỏ nhất việc áp dụng những biện pháp ngăn chặn phòng ngừa dịch bệnh trong trường học, ông nói: "Cho nhập học đồng loạt vào tháng 9 thì liệu có bảo đảm an toàn và ít nguy hiểm hơn không? Chưa chắc. Chúng ta cần phải thay đổi thói quen từ đây cho đến đó".

Chăm sóc trẻ em ở nhà đúng cách để phòng chống dịch Covid-19

Hiện nay, trước yêu cầu chống dịch Covid-19 nên các cháu phải ở nhà; chăm sóc trẻ em ở nhà đúng cách là mối quan tâm của nhiều cha mẹ. Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, rất dễ bị các tác nhân gây hại trong môi trường xâm nhập vào cơ thể. Trẻ càng nhỏ tuổi, sức đề kháng càng yếu, hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 3 tuổi - được gọi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” ở trẻ. Do đó, nếu có sự xâm nhập của vi rút Corona (Covid-19) sẽ càng nguy hiểm hơn đối với cơ thể trẻ. Vì vậy, cha mẹ càng cần phải chú ý nhiều hơn đến đến việc chăm sóc trẻ em tại nhà, giúp các cháuvà gia đình vượt qua được mùa dịch an toàn.
Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho trẻ em, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường trong nhà và xung quanh nhà. (Ảnh Thùy Vy)
Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho trẻ em, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường trong nhà và xung quanh nhà. (Ảnh Thùy Vy)
      Do đó, cha mẹ cần lưu ý những biện pháp sau đây:
    Hạn chế tiếp xúc: Những hành động như ôm ấp, hôn trẻ có thể khiến trẻ dính phải các giọt bắn nước bọt từ người mang mầm bệnh. Cho nên cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp nhận những hành động đó từ người lớn. Cha mẹ nên không cho bé đến những nơi có người lạ, nơiđông người, cố gắng sắp xếp bố trí vui chơi và học tập cùng bé tại nhà.
    Giữ vệ sinh sạch sẽ: Cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường trong nhà và xung quanh nhà. Nơi sinh hoạt của các bé phải được tiệt trùng, lau chùi thường xuyên. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc bề mặt bằng cách vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của bé, những vị trí nhiều người chạm vào như tay nắm cửa, nên dùng chất cồn hoặc dung dịch kháng khuẩn để lau chùi hàng ngày nhằm loại bỏ tối đa các loại vi rút, vi khuẩn bám vào.Giữ vệ sinh cá nhân cũng là một biện pháp quan trọng để chăm sóc trẻ em hiệu quả. Cha mẹ cần rửa tay cho trẻbằng xà phòng thường xuyên. Đối với những trẻ lớn hơn, cha mẹ cần làm gương và xây dựng cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng sau khi chơi với các vật dụng đồ chơi, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.... Có thể cho trẻ súc miệng bằng nước muối hoặc các loại nước súc miệng chuyên dùng để làm sạch cổ họng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý giữ ấm cho trẻ. Khi thời tiết chuyển lạnh, cha mẹ chú ý luôn để bé ăn mặc đủ ấm, đi tất, gang tay, quàng khăn và đặc biệt là đeo khẩu trang.
     Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh: Để tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, cha mẹ cần đảm bảo bé có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý như cho trẻ uống đủ nước; bổ sung các thực phẩm giàu protein: trứng, thịt, cá,... để tăng sức đề kháng cho trẻ; tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như: tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc,... không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại những vi rút gây bệnh; bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.Đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc, đúng giờ; rèn luyện cơ thể thường xuyên; tắm nắng để hấp thụ vitamin D, thường xuyên thay bỉm cho bé để giữ vệ sinh. Tham khảo các loại bỉm tốt cho bé tại đây
      Tóm lại, khi các gia đình ở nhà thực hiện chủ trương giản cách xã hội để chống lại dịch Covid-19, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ tại nhà như: giữ vệ sinh môi trường trong và quanh nhà, vật dụng, đồ chơi của trẻ; cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý... Cha mẹ cần tập cho trẻ ý thức rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, sau khi chơi đồ chơi… Đặc biệt, việc giữ cho trẻ nhỏ thường xuyên đeo khẩu trang;cần khích lệ, động viên và hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang đúng cách. Đồng thời, cha mẹ cần kiểm tra thân nhiệt cho trẻ hàng ngày, để biết cách chăm sóc trẻ tốt hơn. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện không bình thường về sức khỏe, cha mẹ cần báo cáo cơ sở y tế gần nhất để được khám và có biện pháp xử lý kịp thời.