Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

6 bộ phận cơ thể dễ viêm nhiễm

Rốn, nách, lưỡi, vùng sau tai, núm vú... dễ trở thành điểm trú ngụ sinh sôi vi khuẩn, cần được chăm sóc kỹ để ngăn ngừa viêm nhiễm.
Rốn 
Rốn có thể vẫn bẩn kể cả sau khi tắm. Các nghiên cứu cho thấy trung bình có 67 loại vi khuẩn trú ngụ ở rốn.
Không cần vệ sinh rốn thường xuyên nhưng ít nhất mỗi tuần một lần sử dụng tăm bông để làm sạch rốn. Hãy nhúng đầu tăm bông vào cồn và chà nhẹ vào các bề mặt bên trong rốn. Sau đó sử dụng một chiếc bông ẩm để lau sạch cồn.
Nách
Có một loại vi khuẩn đặc biệt gây ra mùi hôi nách. Bạn càng sử dụng chất khử mùi, số lượng vi khuẩn này sẽ càng tăng ở khu vực nách.
Do đó, nếu nách không có mùi hôi thì đừng nên lạm dụng chất khử mùi. Ngoài ra, nên tránh mặc các loại quần áo làm từ chất liệu polyester, sử dụng đồ thoáng mát để cơ thể dễ thoát mồ hôi. 
Lưỡi 
Không chỉ răng mà lưỡi cũng cần được vệ sinh sạch sẽ. Các nhà khoa học cho biết làm sạch lưỡi thường xuyên có thể giúp giảm sự tích tụ mảng bám và ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe răng miệng.
Do đó, hãy sử dụng dụng cụ cạo lưỡi cùng với chất tẩy rửa sẽ đem lại hiệu quả hơn so với bàn chải đánh răng.
Núm vú 
Cả nam giới và phụ nữ đều có thể gặp vấn đề về núm vú vì chúng rất nhạy cảm. Kiểm tra núm vú ít nhất mỗi tuần một lần để theo dõi và kịp thời phát hiện nếu có bất kỳ thay đổi bất thường nào.
Ngoài ra, bạn không bao giờ được chủ quan với các triệu chứng trên núm vú như tiết dịch, nổi cục u bất thường, đau, có mùi hoặc ngứa. Hay luôn giữ ẩm cho bộ phận này bằng kem dưỡng da và tới gặp bác sĩ khi phát hiện các triệu chứng bất thường.
Vùng da phía sau tai 
Thông thường chúng ta thường làm sạch tai bằng cách lau vành tai và lấy đi phần ráy tai bên trong mà hay bỏ qua phần sau tai. Nếu không được chăm sóc kỹ càng, phần sau tai sẽ có mùi hôi và nổi mẩn ngứa, nếu để lâu sẽ khó điều trị. 
Hàng ngày, bạn chỉ cần vệ sinh khu vực này bằng xà phòng và nước ấm. Nhớ tháo bỏ bông tai trước khi đi ngủ.
Các khớp
Khoảng 15 triệu người trên thế giới bị đau khớp và phụ nữ có xu hướng mắc bệnh này nhiều hơn nam giới. Khớp đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt nhưng thường bị bỏ qua.
Bạn cần bổ sung collagen cho cơ thể với tác dụng giúp giảm đau khớp. Có thể sử dụng tất dài để bảo vệ vùng khớp gối khi đi ra ngoài hay lao động chân tay nhiều.

Đoàn tàu chữa bệnh miễn phí

Lifeline Express đi qua hàng trăm vùng quê, cung cấp dịch vụ thăm khám, điều trị miễn phí hơn một triệu bệnh nhân nghèo trong suốt ba thập kỷ. 
Lifeline Express lăn bánh lần đầu ngày 16/7/1991, từ trạm Chhatrapati Shivaji, thành phố Mumbai. Gần 200.000 chuyên gia y tế trên thế giới tình nguyện tham gia hành trình của đoàn tàu để khám, điều trị bệnh nhân.
Mô hình "Bệnh viện trên Di động" này là ý tưởng của tổ chức phi chính phủ Impact India (IIF), nhằm cung cấp dịch vụ y tế, viện trợ y tế cho người dân Ấn Độ, đặc biệt người dân tại các khu vực nông thôn xa xôi và những vùng thường xuyên chịu thiên tai.
Không lâu sau khi ý tưởng được đề xuất, lãnh đạo ngành đường sắt Ấn Độ đồng ý cung cấp một đoàn tàu gồm ba khoang tàu làm phương tiện di chuyển và tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. IIF chịu trách nhiệm vận hành các dịch vụ y tế.
Dòng người xếp hàng vào khám. Ảnh: Filmtics.in
Dòng người xếp hàng vào tàu để khám bệnh. Ảnh: Filmtics.in
Mỗi khoang tàu có các phòng phẫu thuật, thí nghiệm y tế, khám phụ khoa, nha khoa, phòng chụp X-quang, nhà thuốc và nhiều buồng dành cho bệnh nhân. Trên tàu còn có chỗ ở nhân viên y tế, khu bếp, đầy đủ nước, điện, máy phát điện, được trang bị wifi. Năm 2016, đoàn tàu được lắp thêm hai khoang mới phục vụ tầm soát ung thư và kế hoạch hóa gia đình.
Trước khi tàu dừng tại một địa điểm cụ thể, một đội ngũ y tế đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe (dữ liệu bệnh, các chỉ số sức khỏe quan trọng, phương tiện y tế sẵn có) của người dân địa phương. Sau khi sàng lọc sơ bộ, nhóm phối hợp với trung tâm y tế địa phương hoặc cộng đồng lên danh sách những người cần phẫu thuật.
Ban đầu, bác sĩ đoàn tàu dự định điều trị các bệnh đục thủy tinh thể, sứt môi, bại liệt. Dần dần, đội ngũ y tế bắt đầu cung cấp thêm dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, điều trị động kinh, ung thư, khuyết tật (các rối loạn về mắt, tai, mũi, cổ họng, chân, tay).
Mỗi dự án của Lifeline Express kéo dài 3-5 tuần, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho gần 5.000 người. Tại mỗi điểm dừng, địa phương và tổ chức phi chính phủ tích cực hỗ trợ đồ ăn, dịch vụ giặt ủi, kiểm soát an ninh, nơi nghỉ ngơi cho bệnh nhân sau phẫu thuật và người thân đi cùng. Hàng trăm bệnh nhân xếp hàng vào khám, trên tay cầm hoa, hoặc một túi rau quả biếu các bác sĩ.
Các trại y tế cũng bao gồm chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức cho người nghèo ở nông thôn, học sinh, bác sĩ địa phương.
Hiralal Lodhi, 56 tuổi, sống tại làng Pipari Kala, bang Madhya Pradesh, là bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật ung thư trên tàu Lifeline Express.
Anh có một khối u ác tính trong miệng, hàm và hai má sưng to, gặp nhiều khó khăn khi nhai, trò chuyện. Kiếm ăn bằng việc bán trà đá vỉa hè, thu nhập mỗi ngày của anh chỉ ở mức 700 Rupee. Anh mất 20.000 rupee chữa trị trước đó, phải chạy vạy khắp nơi vẫn chưa đủ tiền chữa bệnh.
Cách đây 4 năm, Hiralal được các chuyên gia ung thư trên tàu Lifeline Express khám bệnh, tư vấn, phẫu thuật cắt khối u miễn phí. "Với tôi, đây là một phép màu", Hiralal xúc động.
Bên ngoài tàu Lifeline Express. Ảnh: Wikiwand
Bên ngoài tàu Lifeline Express. Ảnh: Wikiwand
Taral Nagda, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhi khoa tình nguyện gắn bó với Lifeline Express gần 20 năm, nhớ lại khoảnh khắc cầm trên tay thiệp mời cưới của một bệnh nhân nữ từng được ông điều trị trên tàu khi cô còn bé.
"Tôi từng làm phẫu thuật duỗi các ngón chân dị tật cho cô bé. Sau phẫu thuật, bố bé luôn lo lắng con gái sẽ khó lập gia đình khi lớn lên", Taral kể lại. "Giờ cô bé ngày ấy đã tốt nghiệp, sắp kết hôn. Giá trị của Lifeline Express không chỉ giới hạn trong việc chữa bệnh, mà còn giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người".
Nhiều quốc gia khác cũng sao chép ý tưởng "bệnh viện di động", trong đó có Trung Quốc, Nam Phi, Campuchia, Bangladesh.
Tại Ấn Độ, chính quyền bang Maharashtra khánh thành một tàu Lifeline Express thứ hai cuối tháng 8/2018 tại Mumbai. Dự án Red Ribbon Express (tăng cường nhận thức về HIV/AIDS) và Science Express (thúc đẩy đam mê khoa học trong giới sinh viên) cũng được lấy cảm hứng từ Lifeline Express.

Gần 100 học sinh nhập viện trong chuyến tham quan

Trong chuyến tham quan của học sinh trường THCS Chu Văn An, Tây Ninh, 98 em ngộ độc sau khi ăn xôi sáng. 
Các học sinh được nhập viện cấp cứu hôm 12/1 tại Bệnh viện Nhi đồng 1và Bệnh viện Quận 11.  
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết các bệnh nhân có chung triệu chứng chóng mặt, nôn ói, đau bụng. Một số em nôn ói nhiều, phải truyền dịch.
Đến sáng 13/1, còn 9 bệnh nhân phải nằm viện điều trị, trong đó một em bị sốc giảm thể tích, trụy mạch.
Bệnh nhi ngộ độc được theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 sáng 13/1. Ảnh: Lê Phương.
Bệnh nhi ngộ độc được theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sáng 13/1. Ảnh: Lê Phương.
Các học sinh ở Tây Ninh đang trong chuyến du lịch đến TP HCM tham quan công viên Đầm Sen. Buổi sáng khi khởi hành, đoàn được đơn vị tổ chức dịch vụ du lịch phát xôi gà ăn sáng. Khoảng 9h30, nhiều học sinh và cả giáo viên chóng mặt, nôn ói, đau bụng nên được đưa đến cấp cứu. 
Các chuyên viên thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM và Trung tâm Y tế quận 11 đã lấy mẫu thực phẩm kiểm tra để xác định nguyên nhân.

Ăn trái cây khô có tốt?

Một số loại trái cây khô như nho, chà là, mận giàu chất dinh dưỡng, giúp nhuận tràng, ngăn ngừa bệnh tim mạch, loãng xương...
Trái cây khô gần như đã loại bỏ toàn bộ hàm lượng nước bằng cách sấy hoặc phơi khô. Trong quá trình đó, trái cây teo lại và chứa nhiều năng lượng hơn. 
Các loại hoa quả khô phổ biến bao gồm nho khô, mận sấy, mơ sấy..., đôi khi ở dạng bọc đường như xoài, dứa, chuối, quất, táo... thường được sử dụng trong ngày Tết. 
Lợi ích
Trái cây khô có hàm lượng lớn chất dinh dưỡng, xơ và chất chống oxy hóa. 
Tùy theo trọng lượng, hoa quả sấy chứa 3,5 lần vitamin và khoáng chất so với trái cây tươi. Miếng hoa quả khô nhỏ cũng cung cấp đủ tỷ lệ dinh dưỡng đươc khuyến nghị hàng ngày, theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Mỹ (NCBI). 
Trái cây khô có hàm lượng lớn chất dinh dưỡng, xơ và chất chống oxy hóa. Ảnh: 123RF
Trái cây khô có hàm lượng lớn chất dinh dưỡng, xơ và chất chống oxy hóa. Ảnh: 123RF
Cũng theo phân tích của NCBI, một số loại quả chứa lượng lớn chất chống oxy hóa polyphenol, dưỡng chất thường được tìm thấy trong đậu, trà xanh... có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, làm giảm sự tổn thương của tế bào và nguy cơ mắc bệnh.
Nghiên cứu của NCBI công bố năm 2013 cho thấy nho khô có thể ngăn ngừa bệnh huyết áp, tiêu viêm, giảm cholesterol, tăng cảm giác no, giảm lượng đường trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 
Trong khi đó, mận khô là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, giàu chất xơ, kali, beta-carotene (vitamin A) và vitamin K. Ăn mận khô giúp trị bệnh táo bón, ức chế quá trình oxy hóa cholesterol LDL có hại cho sức khỏe, từ đó ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư. Khoáng chất boron có trong loại quả này có tác dụng chống loãng xương. 
Chà là khô có vị ngọt tự nhiên nhưng không gây ra vấn đề về đường huyết. Đây là nguồn chất xơ, kali, sắt  và một số hợp chất hữu cơ khác. Nghiên cứu của NCBI chỉ ra rằng, phụ nữ ăn chà là vào tuần cuối của thai kỳ có thể tạo điều kiện cho tử cung giãn nở và giảm các cơn chuyển dạ giả, ngăn ngừa tổn thương do oxy hóa và ổn định lượng đường trong máu. 
Tác hại
Bên cạnh các loại quả có vị ngọt tự nhiên, nhiều loại trái cây khô được bọc đường hoặc siro trước khi đem sấy. Các nhà khoa học từ Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Mỹ cho rằng, lượng đường này là dư thừa và có hại đối với sức khỏe, làm tăng nguy cơ béo phì, tim mạch, thậm chí ung thư. 
Một số nhà sản xuất thêm các phụ gia, trong đó có sulfites vào hoa quả khô để bảo quản, ngăn ngừa đổi màu và giúp trái cây trông hấp dẫn hơn. Trên thực tế, sulfites là chất được phép sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm ăn liền. 
Một số loại quả khô được bọc đường để tăng thêm vị ngọt. Ảnh: Mama Veggie
Một số loại quả khô được bọc đường để tăng thêm vị ngọt. Ảnh: Mama Veggie
Khoảng 2% dân số thế giới có biểu hiện dị ứng hoặc nhạy cảm với sulfites. Tỷ lệ cao hơn ở những người bị hen suyễn. Triệu chứng kích ứng bao gồm co thắt dạ dày, phát ban ở da, khó thở... 
Để tránh ăn phải sulfites, nên chọn hoa quả khô có màu nâu hoặc xám như táo tàu, nho khô... thay vì loại quả sáng màu. 
Trái cây được bảo quản và xử lý không đúng cách có khả năng nhiễm nấm, mốc aflatoxin và các hợp chất độc hại khác. 
Một số loại quả sấy chứa lượng calo rất cao, giàu carbohydrate, ảnh hưởng đến chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt của nhiều người, gây ra tình trạng tăng cân, béo phì. 
Chính vì vậy, chuyên gia khuyến cáo, chỉ nên ăn một lượng nhỏ trái cây khô và sử dụng thêm thực phẩm bổ sung khác. 

Bé gái mù lòa sau cơn bệnh cúm

Jade DeLucia 4 tuổi, ở Iowa, mắc bệnh cúm vào Giáng sinh phải nằm viện suốt hai tuần và về nhà với đôi mắt mùa lòa. 
Ca bệnh được Bệnh viện Nhi đồng Đại học Iowa Stead báo cáo ngày 10/1. Trước đó một ngày, Jade được xuất viện. Gia đình em quyết định chia sẻ câu chuyện với hy vọng kêu gọi các phụ huynh viêm vắcxin đầy đủ cho con em mình.
Jade DeLucia và mẹ. Ảnh: Amanda Phillips
Jade DeLucia và mẹ. Ảnh: Amanda Phillips
Mỗi năm, tại Mỹ có tới hàng chục trẻ em tử vong và hàng nghìn trường hợp nhập viện vì cúm mùa, hầu hết không được tiêm vắcxin phòng bệnh, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Nhiều em hoàn toàn khỏe mạnh trước khi mắc bệnh cúm.
Jade là một trong số đó.
Tháng 12/2019, mẹ của Jade, Amanda Phillips phát hiện con gái có biểu hiện bất thường. Vài ngày sau, cô bé sốt nhẹ, uống thuốc. Cơn sốt nhanh chóng chấm dứt, Jade có thể chạy nhảy và ăn uống trở lại. Gia đình cho rằng tình hình không đáng lo.
Sáng 24/12, Jade sốt cao, lên cơn co giật. Gia đình đưa bé tới phòng cấp cứu sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đại học Iowa Stead bằng trực thăng. 
Bác sĩ chẩn đoán não của cô bé bị hoại tử cấp, một biến chứng nghiêm trọng sau khi cúm, tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Nếu may mắn sống sót, tỷ lệ tàn tật 15%. Jade có nguy cơ phải sống thực vật cả đời. 
Cô bé hôn mê sâu nhiều ngày sau đó, phải tiêm steroid để làm dịu chứng phù não. 
Gia đình chưa từng từ bỏ hy vọng và niềm tin vào con gái mình. May mắn đã mỉm cười với bé gái 4 tuổi. Ngày 1/1, đúng dịp năm mới, em tỉnh lại. Song, biến chứng của căn bệnh đã khiến em bị mù. 
Bác sĩ cho biết nhãn cầu của em hoàn toàn bình thường, nhưng phần não bị tổn thương đã ảnh hưởng đến thị giác. Hiện, bệnh viện chưa thể xác nhận khả năng hồi phục của Jade. Em cần được theo dõi y tế trong khoảng 3 đến 6 tháng. 
Jade xuất viện vào ngày 9/1. Ảnh: Amanda Phillips
Jade xuất viện vào ngày 9/1. Ảnh: Amanda Phillips
Jade cũng có nguy cơ gặp các vấn đề về nhận thức hoặc phát triển như khuyết tật học tập (learning disabilities), một dạng rối loạn trong việc lĩnh hội và vận dụng năng lực đọc, viết và làm toán. 
Bác sĩ cho biết sức khỏe của bé đang có những tiến triển đáng kinh ngạc. Ngày 5/1, em có thể ngồi dậy, hô hấp bình thường không sử dụng ống thở và cất tiếng "Chào mẹ". 
"Thật may mắn là cô bé còn sống", Tiến sĩ Theresa Czech, bác sĩ của Jade xúc động. 
Một trong những điều đầu tiên Jade làm khi trở về nhà đó là chạm vào mặt em gái, kéo cô bé vào lòng và bật khóc. 
Bệnh cúm hoành hành tại Mỹ từ cuối năm 2019, sớm hơn hai tháng so với bình thường. Phổ biến nhất là cúm B, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Đến ngày 11/1, Mỹ ghi nhận có 32 trẻ tử vong vì bệnh cúm mùa, 21 trong số đó mắc cúm B. 
Tiêm vắcxin có khả năng ngăn ngừa 40-60% nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Adam Ratner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm Y tế Langone Đại học New York, nhiều cha mẹ bỏ qua việc tiêm chủng cho con em mình vì nghĩ rằng bệnh cúm không đáng lo.