Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Robot phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt

Khi chẩn đoán, kết quả chụp cộng hưởng từ MRI cho thấy khối u choán chỗ vùng ngoại biên nhưng chưa xâm lấn túi tinh ở tuyến tiền liệt của bệnh nhân quê ở Bình Phước. Kết quả xạ hình xương cũng chưa ghi nhận bất thường.
Khối u tuyến tiền liệt của bệnh nhân được phát hiện qua hình ảnh.
Khối u tuyến tiền liệt của bệnh nhân được phát hiện qua hình ảnh.
Bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng ở Bệnh viện Bình Dân cho hay, phương pháp điều trị cho bệnh nhân là phẫu thuật cắt tận gốc tuyến tiền liệt để loại bỏ khối u ung thư, bảo toàn chức năng sinh dục và hạn chế nguy cơ són tiểu. Bệnh nhân chọn phẫu thuật bằng robot để nạo vét hạch triệt để mà thời gian phục hồi nhanh.
Ca phẫu thuật kéo dài hai giờ, robot đã cắt tuyến tiền liệt tận gốc kèm túi tinh hai bên và nạo hạch toàn bộ vùng chậu. Hiện tại bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện chỉ hai ngày sau phẫu thuật. 
Bác sĩ Hùng nói, điểm đặc biệt ở bệnh nhân này là robot phẫu thuật qua ngả ngoài phúc mạc thay vì thao tác bên trong ổ bụng. Kỹ thuật cho phép dao mổ không đi xuyên qua lớp phúc mạc nên tránh được nguy cơ tổn thương các cơ quan trong ổ bụng, dính ruột, tắc ruột... sau mổ. 
Phẫu thuật bằng robot cũng là lựa chọn của hơn 90% bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt tại Mỹ và Singapore hiện nay. 

Bé trai bị ung thư gắng gượng sống chờ em gái chào đời

"Đã đến lúc con trở thành thiên thần hộ mệnh của em ấy rồi", Bailey 9 tuổi nói về em gái Millie trước khi qua đời do ung thư.

Tình cảm gia đình vô cùng thiêng liêng và mạnh mẽ, thậm chí có thể vượt qua cái chết. Dù được chẩn đoán chỉ còn tối đa vài tuần để sống, Bailey Cooper (Anh) đã dùng mọi sức lực để trụ lại cho tới ngày em gái ra đời. Bất chấp tế bào ung thư lan khắp người, cậu bé 9 tuổi vẫn gắng gượng ôm em trong tay trước khi trút hơi thở cuối cùng vào đúng lễ Giáng sinh.
Bailey ôm em gái Millie trước khi qua đời. Ảnh: BP. 
Bailey ôm em gái Millie trước khi qua đời. Ảnh: BP. 
Theo Independent, Bailey vật lộn với ung thư suốt 15 tháng. Mùa hè năm 2016, em bất ngờ đổ bệnh song đội ngũ y tế nghĩ rằng bệnh nhi bị nhiễm virus. Sau thời gian điều trị bất thành với kháng sinh, tình trạng Bailey ngày càng xấu đi. Xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện cậu bé bị ung thư hạch không Hodgkin giai đoạn ba. 
"Chúng tôi chẳng hề biết gì", Lee, cha của Bailey nghẹn ngào nhớ lại. "Cả nhà cứ nghĩ cháu sẽ ổn. Không ngờ mọi thứ trở nên thật tồi tệ".
Bailey hóa trị với steroid. Tháng 2/2017, bệnh nhi bước vào giai đoạn thuyên giảm. Bailey được về nhà và quay lại trường học. Tháng 4/2017, Bailey tái phát ung thư. Bác sĩ nhận định cậu bé có 70% cơ hội sống sót và cảnh báo dù vượt qua, Bailey sẽ phải chịu nhiều tác dụng phụ. 
Để giúp đứa con đầu lòng vượt qua bệnh tật, gia đình Cooper quyết định ghép tế bào gốc cho Bailey. Nhờ kiên cường chiến đấu, tháng 7/2017, bé trai một lần nữa bước vào giai đoạn thuyên giảm.
Tưởng rằng từ đây Bailey sẽ sống thật khỏe mạnh và vui vẻ thì tai họa tiếp tục ập đến. Sau sáu tuần hạnh phúc bên con, vợ chồng Lee bàng hoàng nhận tin căn bệnh ung thư của Bailey lại tái phát, lần này ở giai đoạn bốn và không thể can thiệp thêm. Các khối u đã lan tới ngực, phổi, gan, dạ dày. "Bác sĩ dự đoán thằng bé không sống được lâu, chỉ vài ngày hoặc vài tuần thôi", Lee đau đớn.
Thay vì giấu giếm, gia đình Cooper chia sẻ với con trai sự thật. "Bailey tuyệt vọng, bảo rằng không muốn đi một mình", Lee kể. "Chúng tôi ngồi đó bên con. Vài giờ sau, thằng bé bình tĩnh chấp nhận. Con mỉm cười rồi nói: 'Ta về nhà thôi'". 
Biết rằng mình sắp ra đi, Bailey tự lên kế hoạch đám tang và bày tỏ mong muốn khách đến viếng mặc trang phục siêu anh hùng. Dù hiểu rõ cái kết đang tới gần, cậu bé vẫn không bỏ cuộc với hy vọng được gặp em gái sắp sửa sinh ra.
Cuối tháng 11/2017, Millie, em gái của Bailey cất tiếng khóc chào đời. "Bác sĩ nghĩ rằng con sẽ không chờ nổi đến lúc gặp Millie. Chúng tôi cũng không dám tin con có thể gắng gượng lâu đến vậy, nhưng thằng bé đã rất cố gắng vì em gái", Rachel xúc động. "Con ôm em và làm mọi việc một người anh cần làm, từ thay tã, vệ sinh đến hát ru". Đặc biệt, theo tiết lộ của nhà Cooper, cái tên Millie do chính Bailey đặt.
Bailey âu yếm em gái. Ảnh: BP.
Bailey âu yếm em gái. Ảnh: BP.
Từ ngày đón em gái, sức khỏe Bailey xuống dốc nhanh chóng. Tháng 12/2017, bé phải xạ trị năm ngày liên tiếp bởi ung thư đã lan tới não. 
Dẫu bị căn bệnh hành hạ, Bailey vẫn giữ tinh thần mạnh mẽ. Thấy bà vú đau buồn đòi thế chỗ mình, cậu bé đáp: "Như thế là ích kỷ đấy ạ. Bà còn phải chăm sóc cháu của bà mà". Khi được hỏi muốn quà gì cho Giáng sinh, Bailey chỉ chọn những món em trai Riley thích vì biết rõ bản thân chẳng thể chơi được nữa. Cậu anh cả không quên nhắc tới Millie: "Con rất muốn ở lại nhưng đã đến lúc con trở thành thiên thần hộ mệnh của em ấy rồi". 
Ngày 22/12/2017, Bailey nhập viện cấp cứu. Đội ngũ y tế phải tiêm cho Bailey thuốc giảm đau mạnh. Lee cùng Rachel ngồi đó, từ giờ này qua giờ khác, chứng kiến con trai lịm dần đi.
Trưa ngày Giáng sinh, Bailey ra đi giữa vòng tay của gia đình. Đúng lúc trút hơi thở cuối cùng, một giọt nước mắt chảy ra từ khóe mắt cậu bé. 
Đúng như di nguyện Bailey, toàn bộ khách đến viếng trong lễ tang đều mặc trang phục siêu anh hùng. Đăng tải câu chuyện về con trai lên mạng xã hội, Rachel hy vọng tinh thần của Bailey sẽ chạm đến trái tim và truyền thêm sức mạnh cho tất cả mọi người.
"Trong buổi họp gia đình cuối cùng, thằng bé dặn dò chúng tôi chỉ được khóc 20 phút thôi để còn chăm sóc Riley và Millie", Rachel nói. "Chúng tôi nhất định sẽ bước tiếp vì Bailey". 

Người bệnh ung thư nên ăn uống thế nào cho đúng



Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả điều trị và thời gian sống của người mắc ung thư. Dinh dưỡng lúc này có tác dụng nâng đỡ để bệnh nhân đủ sức đáp ứng các liệu pháp điều trị nặng nề. Về cơ bản, bệnh nhân ung thư cần phải ăn uống đầy đủ các nhóm chất: Đạm, bột đường, béo, vitamin, khoáng chất, nước.
Bệnh nhân ung thư nên tăng cường ăn cá và các loại rau, củ. Ảnh: News.
Bệnh nhân ung thư nên tăng cường ăn cá và các loại rau, củ. Ảnh: News.
Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, người bệnh nên tăng cường ăn cá, rau quả, ít thịt. Rau quả rất có lợi cho sức khỏe vì cung cấp các loại vitamin cần thiết. Ưu tiên chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế.
Khi chế biến, nên dùng dầu thực vật hơn là mỡ động vật. Chia nhỏ các bữa ăn để người bệnh dễ hấp thụ dưỡng chất. 
Uống nhiều nước và vận động cũng rất quan trọng nhằm cung cấp chất dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng để chống lại ung thư. Người bệnh hạn chế nằm một chỗ, nên tranh thủ vận động mọi lúc mọi nơi với cường độ phù hợp để cơ thể thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá nhiều.
Khi thiết kế thực đơn trong ngày, cần lưu ý đảm bảo đầy đủ một số loại dưỡng chất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư như:
Đạm
Ăn đa dạng các loại thực phẩm. Khẩu phần phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm có lợi cho sức khỏe hơn, song bổ sung nguồn sắt, kẽm từ thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò... Hải sản tôm, cua, cá cũng là nguồn cung cấp các axit amin và vi chất quý giá cho cơ thể.
Tinh bột
Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn...). Tránh thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn gây nhiều tác hại cho cơ thể.
Chất béo (lipid)
Lipid có giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc tế bào của cơ thể. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày cần có một hàm lượng lipid nhất định, trong đó axit béo không no chiếm không quá 50% tổng năng lượng.
Trong thời gian bệnh và điều trị, bệnh nhân thường bị thay đổi khẩu vị. Một số loại thực phẩm, đặc biệt là thịt thường khiến bệnh nhân sợ vì cảm thấy vị đắng hoặc có mùi tanh. Đừng lo lắng, sự thay đổi khẩu vị này sẽ biến mất sau khi chấm dứt điều trị. Một số mẹo có thể giúp người bệnh giảm tình trạng khó chịu này, chẳng hạn như súc miệng trước khi ăn, ăn những loại trái cây có vị chua như cam, quýt, chanh, bưởi...
Đa phần bệnh nhân khi hóa trị liệu thường buồn nôn và nôn. Do vậy bác sĩ khuyên người bệnh nên ăn trước khi đói vì cơn đói làm tăng cảm giác buồn nôn. Uống nhiều nước, uống chậm thành nhiều hớp trong ngày. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nồng, nặng mùi.
Người bệnh thường ngại uống nước, song bác sĩ khuyên nên uống đủ từ 8 đến 12 ly nước mỗi ngày. Có thể là nước đun sôi để nguội, nước ép rau, quả, sữa hoặc những thực phẩm chứa nhiều nước. Điều quan trọng là uống nước ngay cả khi không khát.
Táo bón cũng là một vấn đề rất thường thấy ở bệnh nhân ung thư, có thể do thiếu nước hoặc thiếu chất xơ trong chế độ ăn, ít hoạt động thể lực hoặc tác dụng phụ của liệu pháp điều trị. Do vậy cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý từ trước, trong và sau quá trình điều trị đều nhằm tăng cường thể lực cho bệnh nhân. Ăn đúng cách giúp giảm những bất lợi do tác dụng phụ của phương pháp điều trị, đồng thời bệnh nhân sống lạc quan hơn.

Một xét nghiệm máu có thể phát hiện tám bệnh ung thư

Với mục đích phát hiện ung thư trước khi cơ thể xuất hiện triệu chứng, các nhà khoa học từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã tìm ra cách xét nghiệm máu mới tên CancerSEEK với độ chính xác trung bình 70%.
Ảnh minh họa: The Straits Times.
Ảnh minh họa: The Straits Times.
Trên tờ Science, nhóm tác giả cho biết CancerSEEK là dạng xét nghiệm không xâm lấn, bằng cách phân tích đột biến ADN của 16 loại gen cùng 10 dấu ấn sinh học protein tuần hoàn.
Thử nghiệm với 1.005 bệnh nhân, kết quả CancerSEEK phát hiện được tám loại ung thư bao gồm ung thư buồng trứng, gan, dạ dày, tuyến tụy, thực quản, trực tràng, phổi và vú. Trong số này, năm loại ung thư đầu tiên chưa thể kiểm tra sàng lọc. Độ chính xác của xét nghiệm CancerSEEK đối với các bệnh này dao động từ 69 đến 98%.
Ngoài ra, trên 83% tình nguyện viên xét nghiệm máu cho thấy khả năng định vị khối u. Đối với người khỏe mạnh, CancerSEEK cho bảy kết quả dương tính giả trên 812 tình nguyện viên. 
Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu phương pháp xét nghiệm máu CancerSEEK với hy vọng sớm tung ra thị trường với mức giá 500 USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định phương pháp này chưa thể sử dụng đại trà. 
"Nó có vẻ hứa hẹn nhưng cần kiểm tra kỹ hơn", Mangesh Thorat, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm Lâm sàng Barts tại Đại học Queen Mary London (Anh) đánh giá. 
Nicholas Turner, giáo sư ung thư phân tử ở Viện Nghiên cứu Ung thư Anh thì lập luận CancerSEEK có 1% dự đoán sai trên các tình nguyện viên khỏe mạnh. Tỷ lệ này tuy nhỏ nhưng "dễ dàng gây lo lắng cho người sử dụng khi họ bị nói là ung thư dù trên thực tế không hề mắc bệnh".

Cô gái ung thư máu mong muốn tìm thấy cha mẹ ruột để xin tủy ghép

Theo SCMP, sau chẩn đoán mắc ung thư máu, Peng mới biết được sự thật giấu kín suốt gần hai thập kỷ qua. Kết quả xét nghiệm cho thấy những người nuôi nấng Peng hiện tại không phải bố mẹ ruột của cô. Peng được nhận nuôi từ lúc nhỏ. Cô đang cố gắng tìm bố mẹ đẻ để được ghép tủy kéo dài sự sống.
Peng là nữ sinh trung học ở thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam. Các bác sĩ tiên lượng hóa trị có thể giúp Peng sống được khoảng 10 tháng và nếu muốn duy trì sự sống cần ghép tủy. Vì vậy, cô gái cần tìm thấy bố mẹ ruột để được cấy ghép tủy.
Peng hy vọng tìm được bố mẹ ruột để được ghép tủy. Ảnh: Dahe.
Peng hy vọng tìm được bố mẹ ruột để được ghép tủy. Ảnh: Dahe.
Mẹ nuôi của Peng cho biết, bà và chồng quyết định giấu việc con gái được nhận nuôi từ nhỏ. Vợ chồng bà trước đó đã có hai con, một trai và một gái. "Chúng tôi không dư dả nhưng con bé trông rất tội nghiệp nên đã mang nó về nhà và nuôi nấng như con ruột", mẹ nuôi Peng nhớ lại.
"Chúng tôi đã phải nói với Peng sự thật và con rất buồn, không muốn chấp nhận chuyện ấy. Tôi và chồng chưa bao giờ có ý định nói cho Peng biết nguồn gốc của nó cho đến khi biến cố xảy ra. Hy vọng sẽ nhanh tìm thấy bố mẹ đẻ của Peng", người mẹ nói thêm.
Bạn bè của Peng đã chia sẻ câu chuyện của cô, kèm theo nhiều bức hình, mong tìm kiếm được bố mẹ ruột của cô. "Chúng tôi hy vọng tìm được bố mẹ Peng nhờ sức mạnh thần kỳ của Internet. Đây là cơ hội duy nhất tìm ra tủy thích hợp để cứu Peng", người bạn chia sẻ.

Bé gái gốc Việt bị u não hồi phục kỳ diệu sau hai năm chữa trị

Chúng tôi cuối cùng đã có thể nói rằng Annabelle không còn dấu hiệu bệnh tật nữa", gia đình em bé gốc Việt hạnh phúc thông báo trên trang cá nhân ngày 1/2. Trải qua hai năm điều trị, cuối cùng, Annabelle Nguyễn đã chiến thắng con quái vật mang tên u thân não (DIPG).
Bé Annabelle Nguyễn được chẩn đoán u thân não khi mới hai tuổi rưỡi. Ảnh: Facebook.
Bé Annabelle Nguyễn được chẩn đoán u thân não khi mới hai tuổi rưỡi. Ảnh: Facebook.
Trước đó, theo chia sẻ của mẹ Annabelle là chị Sandy Nguyễn, bé gái đột ngột đổ bệnh trong chuyến về thăm Việt Nam năm 2015. Ở Perth (Australia) nơi gia đình định cư, các bác sĩ kết luận bệnh nhi hai tuổi rưỡi bị u thân não (DIPG), một dạng ung thư cực kỳ nguy hiểm và không thể phẫu thuật. Thông thường, người bị DIPG chỉ sống thêm được 6-9 tháng kể từ ngày chẩn đoán.
Tháng 10/2015, Annabelle bắt đầu xạ trị và uống steroid. Thuốc khiến bé thay đổi tính nết, dễ cáu giận, quấy khóc đồng thời tăng cân chóng mặt. Đến tháng 3/2016, nghĩ rằng con không còn hy vọng, vợ chồng chị Sandy đưa Annabelle về Việt Nam rồi cho bé thử khí công, thuốc nam, bấm huyệt.
Đầu tháng 5/2017, kết quả chụp MRI cho thấy khối u của Annabelle phát triển trở lại. Tìm cách chữa DIPG, chị Sandy tình cờ phát hiện phương pháp thử nghiệm ở Monterrey (Mexico) kết hợp giữa liệu pháp miễn dịch và thuốc hóa trị đưa thẳng vào khối u. Thấy nhiều gia đình phương Tây chung cảnh ngộ lựa chọn phương pháp này, gia đình Annabelle liền đưa con tới châu Mỹ. Tháng 11/2017, trải qua bảy đợt điều trị, khối u trong não bệnh nhi giảm gần một cm còn 4,03 cm.
Annabelle bên bố. Ảnh: Facebook.
Annabelle bên bố. Ảnh: Facebook.
Tháng Một năm nay, Annabelle được chụp PET nhiều lần để đánh giá mức độ đáp ứng với liệu pháp.  Ngày 25/1, vợ chồng chị Sandy vỡ òa khi cùng đội ngũ y tế đọc kết quả xét nghiệm. Trên ảnh chụp, khối u đã hoàn toàn biến mất không để lại dấu vết. Bác sĩ nhận định đây là "kết quả hoàn hảo nhất họ từng thấy".
"Chúng tôi đã cầu nguyện hàng năm trời để con gái được cứu sống. Chúng tôi đã thử mọi cách thức điều trị và rồi tìm thấy một phương pháp hiệu quả", vợ chồng chị Sandy nghẹn ngào.
Ảnh chụp cho thấy khối u trong não Annabelle đã biến mất. Ảnh: Facebook.
Ảnh chụp cho thấy khối u trong não Annabelle đã biến mất. Ảnh: Facebook.
Hiện nay Annabelle còn bị thiếu oxy đồng thời viêm nhiễm xung quanh khu vực từng có khối u nên gặp vấn đề về thăng bằng và đau đầu. Ngoài ra, bé gái bị viêm mũi. Tuy nhiên, các vấn đề này đều có thể điều trị. 
Sắp tới, được sự đồng ý của bác sĩ, vợ chồng chị Sandy đưa Annabelle trở về Australia đón Tết âm lịch.  Sau năm tuần, bệnh nhi tiếp tục điều trị ở Mexico. Theo kế hoạch, bé còn hai đợt can thiệp, mỗi đợt cách nhau sáu tuần. Do khối u dễ biến đổi và tái phát, bệnh nhi nhiều khả năng phải điều trị vô thời hạn. 
Cuộc chiến với DIPG chưa hẳn đã kết thúc song Annabelle đã chứng minh dự đoán ngày đó của bác sĩ là sai lầm. Trải qua chuỗi ngày đầy nước mắt, bố mẹ cô bé giờ đây lại có thể nhìn thấy con gái đến trường và lên kế hoạch du lịch với đông đủ thành viên. "Annabelle kể rằng con mơ thấy được vỗ về chú cừu ở quê nhà. Tôi rất muốn biến giấc mơ đó thành sự thật", chị Sandy xúc động. 

Nghi vấn thực phẩm khiến ung thư trầm trọng hơn

Các nhà khoa học Anh chỉ ra chất asparagine trong măng tây cùng một số thức ăn khác có thể làm ung thư vú phát triển và di căn. 

Chế độ ăn uống có thể kích thích khối u ung thư phát triển và lây lan. Trên tờ Nature, các nhà khoa học Anh chỉ ra ung thư vú khó di căn nếu người bệnh không hấp thụ chất asparagine có trong măng tây.
Theo BBCasparagine là một amino axit. Ngoài măng tây, nhiều loại thực phẩm khác như gia cầm, hải sản cũng chứa chất này.
Để đánh giá ảnh hưởng của asparagine đến ung thư, nhóm tác giả từ Viện Nghiên cứu Ung thư Cambridge đã tiến hành thử nghiệm trên chuột bị ung thư vú nặng. Kết quả cho thấy khi con vật được ăn theo chế độ dinh dưỡng ít asparagine hoặc uống thuốc chặn asparagine, khối u bị kìm hãm và không di căn. "Đó là thay đổi đáng kinh ngạc", giáo sư Greg Hannon từ đội ngũ nghiên cứu nhận định.
Chất asparagine trong măng tây bị nghi kích thích ung thư phát triển. Ảnh: BBC.
Chất asparagine trong măng tây bị nghi kích thích ung thư phát triển. Ảnh: BBC.
Năm 2017, Đại học Glasgow từng chỉ ra chế độ ăn giảm amino axit serine và glycine làm chậm sự phát triển của ung thư hạch bạch huyết và ung thư ruột. Với phát hiện về asparagine, giáo sư Hannon kỳ vọng có thể cải thiện hiệu quả điều trị ung thư bằng cách thay đổi thói quen ăn uống của bệnh nhân.
Kết quả nghiên cứu mới này được nhiều chuyên gia ủng hộ, song vẫn vấp phải sự nghi ngờ. Trên thực tế việc tránh hoàn toàn asparagine trong thực phẩm là rất khó.
Baroness Delyth Morgan, Giám đốc điều hành tổ chức Breast Cancer Now cho rằng người bị ung thư không nên vội vàng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mình. "Chúng tôi không khuyến khích các bệnh nhân loại bỏ hoàn toàn thực phẩm nào đó trước khi tham khảo ý kiến bác sĩ", bà nhấn mạnh. "Tốt nhất, họ nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng".

Nữ bác sĩ Hà Nội từ chối điều trị ung thư để sinh thêm con

Mong muốn sinh thêm con để chúng đỡ đần nhau khi mẹ qua đời, bác sĩ Hạnh từ chối điều trị bằng hóa chất nên ung thư di căn.

Sáng 12/2, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh 33 tuổi, công tác tại khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bước vào ca đại phẫu do ung thư tuyến vỏ thượng thận di căn nhiều nơi. Chị phải trải qua ca mổ bụng và mổ lồng ngực để xử lý các khối u di căn ở trung thất, phổi và ổ bụng. Ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Chị Hạnh quê Ninh Bình, tốt nghiệp Đại học Y sau đó học tiếp lớp bác sĩ nội trú chuyên ngành nội xương khớp. Năm 2014, chị tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và công tác tại khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh bị ung thư tuyến vỏ thượng thận di căn nhiều nơi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh.
Có công việc ổn định, một mái nhà hạnh phúc với chồng và cô con gái bé bỏng, cuộc sống cứ tưởng bình yên với Hạnh. Một ngày kia tai họa ập đến. Chị mang thai bé thứ hai được 6 tháng thì thai chết lưu. Một tháng sau chị phát hiện mình bị ung thư tuyến vỏ thượng thận (adrenocortical carcinoma – ACC). Tháng 12/2015, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật cắt khối u kích thước khoảng 2,5 cm cho bệnh nhân. Thời điểm đó, đứng giữa quyết định truyền hóa chất và sinh con, Hạnh đã từ chối điều trị để có thể sinh thêm một em bé nữa. Khi đó, chị nghĩ "một ngày mẹ từ giã cõi đời thì ít ra các con có hai chị em đỡ đần nhau".
Khi ấy sau ca mổ cắt khối u, chị vẫn tiếp tục công việc là bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân của mình tại Bệnh viện Bạch Mai. Đầu năm 2016, chị sinh thêm một bé gái nữa. 
Tháng 1/2018, kiểm tra sức khỏe định kỳ, chị phát hiện ung thư đã di căn nhiều nơi ở trung thất, phổi và ổ bụng, nhiều khối u kích thước lớn gần 10 cm. Dù vậy chị vẫn đi làm, một mình chịu đựng, không dám thông báo tin dữ với gia đình.
“Em vẫn chưa cho gia đình biết, sợ bố mẹ buồn. Em muốn được chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Em phải làm thế nào với hai đứa con còn quá nhỏ của em đây”, Hạnh chia sẻ với đồng nghiệp sau khi hội chẩn quyết định phương pháp điều trị.
Cố giấu đi những lo lắng và sợ hãi, những ngày này chị vẫn bình tĩnh khám và chữa bệnh cho bệnh nhân để họ sớm được ra viện đón Tết, còn bản thân chuẩn bị bước vào một trận chiến mới. Sáng 12/2, bác sĩ Hạnh bước vào ca mổ lớn cho chính bản thân mình, liên tiếp vừa mổ bụng vừa mở lồng ngực. Sau ca mổ này, chị sẽ tiếp tục chiến đấu với những đợt truyền hóa chất đầy khắc nghiệt để chữa ung thư.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức tập trung mọi nỗ lực phẫu thuật cứu chữa bác sĩ Hạnh. Bệnh viện Bạch Mai cũng hỗ trợ chăm lo gia đình chị Hạnh trong những ngày chữa bệnh. Cá nhân Bộ trưởng cũng gửi tặng gia đình 5 triệu đồng đón Tết.

Ung thư gan - căn bệnh đứng đầu nhóm ung thư gây tử vong tại Việt Nam

Diễn viên Nguyễn Hậu vừa qua đời sáng 14/2 sau 5 năm chiến đấu với bệnh ung thư gan. Các bác sĩ cảnh báo hiện nay ung thư gan đứng đầu nhóm ung thư gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam. Thủ phạm gây bệnh chủ yếu là virus viêm gan B và C, bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ nấm mốc, uống bia rượu nhiều... 
Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhận định lỗ hổng lớn nhất dẫn đến tình trạng ung thư gan ở Việt Nam gia tăng nhanh và tỷ lệ tử vong cao là do chủng ngừa viêm gan B chưa đầy đủ, người dân chưa có ý thức tầm soát ung thư gan định kỳ. Bệnh viện Đại học Y Dược mỗi năm điều trị khoảng 1.000 ca ung thư gan, trong đó 80% có nguyên nhân liên quan đến virus viêm gan siêu vi B, còn lại là viêm gan C, xơ gan do rượu, nấm mốc và các bệnh lý khác.
Image result for ung thư gan
Những tác nhân hàng đầu gây ung thư gan.
Ung thư gan rất khó nhận biết ở giai đoạn sớm. Khi bệnh nhân cảm thấy đau tức hoặc vàng da thì u đã lớn và tình trạng xơ nặng. Để tăng khả năng nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm và điều trị triệt để, các bác sĩ khuyên mọi người cần chú ý hơn đến những triệu chứng phổ biến của ung thư gan sau đây:
Các triệu chứng tiêu hóa
Chán ăn, đầy bụng sau bữa ăn, thậm chí buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Sốt
Sốt do ung thư gan phổ biến ở khoảng 37,5 đến 38℃, có lúc lên đến 39℃, nóng bất thường, đôi khi kèm theo ớn lạnh. Bệnh nhân thường sốt vào buổi chiều, do khối u hoại tử hoặc chất chuyển hóa khối u gây ra.
Đau
Cơn đau là triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư gan. Thường là đau dưới sườn phải, có tính chất âm ỉ dai dẳng hoặc ngứa ran. Một số bệnh nhân đau ở vùng bụng trên, nơi thùy trái của gan, đôi khi bị chẩn đoán nhầm là đau dạ dày dẫn đến trì hoãn điều trị. Một số bệnh nhân đau ở vai phải, thường gặp ở thùy phải của khối u, gần cơ hoành, làm cho cơ hoành chịu ảnh hưởng nên cơn đau kéo đến vai, dễ chẩn đoán nhầm là đau bả vai.
Khi ung thư di căn đến các bộ phận khác sẽ kéo theo cơn đau ở đó, chẳng hạn di căn đến phổi sẽ gây đau ngực, di căn đến xương sẽ đau xương. Vì vậy nếu bạn thấy đau ngực hoặc đau xương thì nên cân nhắc đến khả năng do ung thư gan di căn.
Một số người có biểu hiện đau dữ dội ở vùng gan, chủ yếu do các khối u trên bề mặt gan bị xuất huyết gây ra. Nếu bệnh nhân kèm theo hoa mắt, chóng mặt, tim đập mạnh, hạ huyết áp tức là báo hiệu chảy máu trong nghiêm trọng, cần cấp cứu kịp thời.
Giảm cân, mệt mỏi
Triệu chứng này xuất hiện ở giai đoạn giữa và cuối của bệnh. Chất chuyển hóa khối u chính là thủ phạm gây ra những thay đổi sinh hóa của cơ thể khiến bệnh nhân biếng ăn, suy kiệt.
Các triệu chứng khác
Viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan sẽ gây mất chức năng gan, hiện tượng xuất huyết như chảy máu cam, chảu máu nướu và bầm máu dưới da. Cũng có thể xuất hiện chứng Hypoproteinemia gây phù nề, cổ trướng, đầy bụng.
Biện pháp tầm soát ung thư gan hiệu quả nhất là dựa vào siêu âm, CT Scan hoặc chụp MRI, bên cạnh xét nghiệm máu. Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm với kích thước khối u nhỏ có thể điều trị triệt để bằng các phương pháp ít xâm lấn mang lại hiệu quả cao, có thể xuất viện ngay trong ngày mà chi phí thấp, ít biến chứng. Thực tế ung thư gan nếu được phát hiện và điều trị sớm, tiên lượng sống từ 5 năm trở lên đạt trên 70%.
Hiện nay các bác sĩ Việt Nam đã điều trị được ung thư gan bằng phẫu thuật mổ nội soi cắt gan chữa ung thư giúp điều trị triệt để, ít xâm lấn, ít đau, giảm mất máu và biến chứng. Bệnh nhân phục hồi nhanh, đảm bảo tính thẩm mỹ.nội soi mang lại nhiều lợi ích hơn so với mổ hở truyền thống. Theo bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy, gan là một nội tạng đặc biệt có khả năng tự phục hồi nên sau một thời gian cắt bỏ khối u, các tế bào gan mới sẽ được sinh ra bù lại những tế bào đã mất.
Để phòng tránh ung thư gan, bác sĩ khuyên cộng đồng nên tăng cường ý thức tiêm văcxin ngừa viêm gan cho 100% trẻ mới sinh. Các bác sĩ cũng khuyến nghị đưa tầm soát viêm gan vào thường quy trong khám sức khỏe định kỳ, chi phí xét nghiệm viêm gan hiện nay tương đối thấp, chỉ khoảng 100 đến 150 nghìn đồng. Đối với những người đã bị viêm gan B, C mạn tính cần tầm soát ung thư gan 6 tháng một lần, nếu có xơ gan thì tiến hành mỗi 3 tháng.
Hai loại viêm gan nguy hiểm nhất dễ dẫn đến ung thư gan là siêu vi B và C lây truyền qua 3 đường: Máu, quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con. Do vậy mọi người nên đề cao cảnh giác, tránh tiếp xúc với máu của bệnh nhân viêm gan. Cần có những biện pháp y tế an toàn để hạn chế lây bệnh qua đường máu, không sử dụng chung những dụng cụ có thể gây trầy xước dính máu như bàn chải đánh răng, kim tiêm, kìm bấm móng tay, đồng thời tuân thủ khuyến cáo về tình dục an toàn.

Giải mã đột biến gen để 'quét' sạch tế bào ung thư

Theo bác sĩ Tan Wu Meng, Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore, số bệnh nhân ung thư ngày càng tăng trên toàn thế giới, cùng với đó là những nỗ lực của các nhà nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp mới mang lại hiệu quả tốt hơn trong tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Ảnh minh họa: Health.
Ảnh minh họa: Health.
Bác sĩ Tân giải thích, ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức. Những tế bào bất thường này có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn).
Theo thống kê hiện nay có khoảng 200 loại ung thư. Ghi nhận tại Singapore trung bình mỗi ngày có 37 trường hợp mắc ung thư mới được phát hiện. Trong đó phổ biến nhất ở nam giới là ung thư đại trực tràng, phổi và tiền liệt tuyến, tỷ lệ tử vong nhiều nhất là ung thư phổi, đại trực tràng và gan. Đối với nữ, phổ biến nhất gồm ung thư vú, đại trực tràng và phổi, gây tử vong nhiều nhất là ung thư vú, phổi và đại trực tràng.
Trước đây việc điều trị ung thư chỉ dừng lại ở các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Ngày nay trước sự gia tăng của "đại dịch" ung thư đã thúc đẩy giới khoa học không ngừng nghiên cứu tìm ra nhiều phương pháp mới nhằm mang lại hiệu quả chữa trị bệnh nhanh và an toàn hơn. Một trong những tiến bộ quan trọng là sự ra đời của liệu pháp điều trị đích. Bằng cách giải mã ADN của tế bào ung thư, cho phép các nhà khoa học phân loại rõ hơn đặc tính của từng loại ung thư, hiểu được các tế bào ung thư từ giai đoạn nhen nhóm đến tiến triển. Từ đó đưa ra chiến lược can thiệp và làm chậm lại quá trình phát triển của bệnh.
Hiện nay các nhà khoa học đã tiếp cận được đột biến gen gây ung thư phổi là EGFR và ALK, cho phép phân loại chính xác khối u ung thư phổi. "Khi chỉ ra cụ thể phân loại đột biến gen trong khối u, chúng ta có thể điều trị cho bệnh nhân hiệu quả hơn thông qua các phương pháp nhắm trúng đích. Nhờ đó cải thiện khả năng kiểm soát ung thư và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân", bác sĩ Tân chia sẻ.
Một cuộc cách mạng khác trong điều trị ung thư là liệu pháp miễn dịch, cho phép tiêu diệt tế bào ung thư kể cả ở giai đoạn muộn. Đây là phương pháp tận dụng chính hệ miễn dịch của bệnh nhân để chiến đấu chống lại ung thư. Một số loại ung thư có thể tự “ngụy trang” để lẩn tránh hệ miễn dịch của con người. Liệu pháp miễn dịch sẽ giúp lột bỏ lớp vỏ ngụy trang của tế bào ung thư và phơi bày chúng cho hệ miễn dịch tiêu diệt.
Các nhà nghiên cứu đã ứng dụng liệu pháp miễn dịch để chữa trị cho nhiều bệnh nhân ung thư da, phổi, đầu cổ..., ghi nhận kết quả khả quan. Các chuyên gia đánh giá sự ra đời của liệu pháp này có ý nghĩa đặc biệt đối với người bị ung thư giai đoạn muộn. Bác sĩ Tân nhận định: "Sự hiểu biết ngày càng sâu hơn về đột biến gen và sinh vật học ung thư, giúp bác sĩ xác định sớm các ca mắc ung thư để kịp thời can thiệp bằng liệu pháp miễn dịch. Chúng tôi đang ráo riết nghiên cứu sâu hơn về phương pháp này nhằm mang lại kết quả điều trị tốt hơn cho mọi bệnh nhân".